Đường tiến thân của viên tướng tham ô bậc nhất Trung Quốc

Cốc Tuấn Sơn sinh vào tháng 10/1956, quê ở thôn Đông Bạch Xương thuộc thành phố Bộc Dương, tỉnh Hà Nam. Hãng truyền thông Caixin dẫn lời một người bạn thời niên thiếu của Cốc cho biết, năm sinh của viên tướng này thực chất là 1954.

Cốc xuất thân từ một gia đình nông dân. Năm 1971, sau khi tốt nghiệp cấp hai, Cốc nhập ngũ. Theo lời kể của người dân thôn Đông Bạch Xương, Cốc vốn là một thiếu niên rất ngỗ nghịch, thành tích học tập bình thường.

Giỏi luồn lách

Sau khi nhập ngũ, Cốc được điều  làm lính bảo trì ở đoàn 48 thuộc sư không quân 16, Quân khu Thẩm Dương. Đơn vị của Cốc đóng tại huyện Liễu Hà, tỉnh Cát Lâm miền đông bắc Trung Quốc.

Trong mắt đồng đội, Cốc có dáng người thấp, cổ ngắn, trông có vẻ khiêm nhường, năng lực công tác và trình độ chuyên môn rất bình thường. Đặc biệt, Cốc không thật thà, thích làm thân với cấp trên và đều bị đồng đội ghét. Cốc từng bị đánh giá là "kém" trong nhiều lần nhận xét đảng viên, thậm chí còn bị phó chính ủy Trương Hải Long công khai phê bình.

"Tôi từng nhận xét anh ta là người không có đức, không có tài và không có tướng. Nhưng xem ra, không thể nói anh ta không có tài. Biết quan hệ cũng là một thứ năng lực, có thể nói là EQ rất cao. Đây có lẽ là lý do mà anh ta leo cao đến vậy", một cấp trên cũ của Cốc nhận xét, trong đó nhắc tới chỉ số cảm xúc (EQ).

Khả năng quan hệ tốt của Cốc Tuấn Sơn được cả đơn vị công nhận. Hồi còn làm ở đoàn 48, Cốc thường xuyên đến chơi nhà và tặng quà cho vợ một sĩ quan cấp trên. Sau này, ông ấy đã hỗ trợ rất nhiều trong việc đề bạt Cốc.

Mặc dù không được phó chính ủy Trương Hải Long coi trọng, Cốc vẫn quyết tâm theo đuổi con gái cả của ông này là Trương Thử Diệm. Trong mắt đại tá Trương, Cốc năng lực kém, không có tiền đồ, nên ông một mực ngăn cản con gái, thậm chí còn điều Cốc sang một đơn vị khác.

Tuy nhiên, Thử Diệm quá yêu Cốc. Bất chấp lời khuyên của cha, cô bỏ trốn cùng bạn trai. Trương Hải Long không đành lòng, buộc phải chấp nhận gả con gái cho Cốc.

Năm 1985, Quân ủy Trung ương Trung Quốc ra quyết định cắt giảm quân số. Tuy nhiên, Cốc tận dụng mối quan hệ của bố vợ để được điều động về quê nhà và công tác tại phân khu lục quân Bộc Dương thuộc Quân khu Tế Nam. Cô vợ Thử Diệm được sở cảnh sát thành phố Bộc Dương nhận vào làm việc.

Cũng bắt đầu từ đây, với khả năng quan hệ tốt, Cốc nhanh chóng thăng tiến. "Nếu như không được điều về Bộc Dương, với năng lực và trình độ của Cốc, cùng lắm là làm đến cán bộ chuyển ngành cấp trung đội", người thượng cấp cũ nói trên cho biết.

Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, Công ty Dịch vụ Lao động giếng dầu Trung Nguyên hợp tác với phân khu lục quân Bộc Dương thành lập xưởng cao su. Cốc, khi đó mang quân hàm thiếu tá,  được bổ nhiệm làm phó chủ nhiệm của liên doanh này.

Theo lời kể của ông Giả Khánh Hiền, giám đốc Trung Nguyên, Cốc lợi dụng chức vụ mới, nhập mua các mặt hàng vật tư với giá nhà nước, rồi bán lại ra ngoài với giá thị trường để trục lợi. Với nguồn tài chính hùng hậu trong tay, Cốc vung tiền hối lộ khắp nơi và từ đó được lãnh đạo phân khu tín nhiệm. 

Năm 1993, Cốc Tuấn Sơn được đề bạt làm chủ nhiệm hậu cần của phân khu. "Hồi đó, Cốc rất ít khi lo việc nhà, chỉ biết lao đầu vào công việc", chính ủy phân khu Quản Bồi Tùng nói.

Theo lời kể của một cán bộ thành phố Bộc Dương, Cốc thường xuyên đến nhà lãnh đạo phân khu để xây dựng quan hệ. "Ông ấy chỉ cần đến nhà lãnh đạo một lần là biết người ta thiếu gì, cần gì. Thủ đoạn như vậy, lãnh đạo nguyên tắc đến mấy, cũng bị mắc bẫy", cán bộ này cho biết.

bi-t-th-1359-1389945424.gif

Biệt thự của Cốc Tuấn Sơn tại thành phố Bộc Dương. Ảnh: mszz.cn

Thăng tiến như diều gặp gió

Năm 1994, khi lãnh đạo Quân khu Tế Nam đến thị sát Bộc Dương, Cốc hoàn thành rất tốt công tác tiếp đón. Năm sau, Cốc được điều làm phó chủ nhiệm văn phòng sản xuất quân khu.

Trên vị trí mới này, Cốc Tuấn Sơn như cá gặp nước, nhanh chóng được đề bạt làm phó giám đốc Học viện chỉ huy lục quân Tế Nam. Trong thời gian này, Cốc còn được cử đi học tại đại học Quốc phòng, được đưa vào diện quy hoạch cán bộ.

Năm 2001, Cốc được làm cục phó Cục nhà đất và cơ sở vật chất, thuộc Tổng cục Hậu cần. Năm 2007, Cốc lên chức cục trưởng; hai năm sau đó lên chức phó chủ nhiệm Tổng cục, Năm 2011, Cốc được phong hàm trung tướng, và đây là thời điểm huy hoàng nhất trong sự nghiệp của Cốc.

Trong 8 năm Cốc công tác tại Cục nhà đất và cơ sở vật chất, Trung Quốc không ngừng nâng cao tiêu chuẩn nhà ở của các cấp sĩ quan, đồng thời tiến hành chuyển đối chức năng đối với đất đai do quân đội quản lý. Lợi dụng quyền hạn trong tay, Cốc liên kết với các công ty bất động sản bên ngoài để kiếm lời.

Một phi vụ làm ăn nổi tiếng của Cốc là lô đất biệt thự số 7 thuộc khu Điếu Ngư Đài, trung tâm thủ đô Bắc Kinh. Lô đất này vốn thuộc một doanh nghiệp nhà nước, nhưng bị quân đội trưng dụng với lý do phục vụ công tác nghiên cứu khoa học. Năm 2007, lô đất lại được chuyển nhượng cho Tập đoàn Trung Hách, để chuyển đổi chức năng thành khu chung cư cao cấp, với mức giá niêm yết là 300.000 nhân dân tệ một mét vuông (37.500 USD vào thời điểm đó).

Xuống dốc

Tháng 1/2012, Cốc bị tạm giữ để điều tra cáo buộc "sai phạm kinh tế", cụm từ ám chỉ hành vi tham nhũng. Tên của trung tướng này bị xóa bỏ khỏi website Tổng cục Hậu cần một tháng sau đó. Đây được coi là vụ án lớn nhất liên quan đến quân đội Trung Quốc trong những năm qua.

Theo điều tra, Cốc sở hữu nhiều bất động sản quan trọng và hàng chục căn hộ với diện tích gần 200 mét vuông mỗi căn trên đường vành đai hai ở khu vực nội thành Bắc Kinh. Cựu tướng hậu cần quân đội từng khai với cơ quan điều tra rằng ông dự định sử dụng chúng làm quà biếu.

20 nhân viên bán quân sự được huy động để tịch thu tài sản tại biệt thự của Cốc Tuấn Sơn ở Bộc Dương. Nhân viên điều tra phải mất hai ngày để kiểm kê và chất đồ thu giữ lên 4 xe tải. Trong số những đồ vật tịch thu được có một bức tượng cố chủ tịch Mao Trạch Đông, một chậu rửa, một mô hình thuyền đều bằng vàng ròng, cùng hàng chục thùng rượu Mao Đài đắt tiền.

Đức Dương (theo Caixin)

0 nhận xét: